Tổ chức hỗ trợ - giáo dục trẻ em thiệt thòi (0SEDC) Việt Nam

Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa

Người phụ nữ nghèo bán đất mở trung tâm dạy nghề từ thiện

2216 Lượt xem

Cho đến tận bây giờ, ít ai tin được rằng, chị Đoàn Thị Hoa (thôn Thanh Oai, Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội) đã từng bán đất để thành lập trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Có một thời gian dài, nhiều người, kể cả người thân trong gia đình chị cũng bảo chị bị “khùng”. Thế nhưng, nhìn vào những việc chị Hoa làm được hơn 7 năm qua, nhiều người tin rằng, người phụ nữ có trái tim nhân hậu này đã làm được những điều kỳ tích.

 

Khó khăn từ những ngày đầu tiên

Chị Đoàn Thị Hoa vốn là nông dân quanh năm cũng chỉ gắn bó với mảnh ruộng, vườn rau. Chồng chị, anh Nguyễn Hữu Tấn là bộ đội xuất ngũ, sức khỏe cũng không ổn định, nay ốm mai đau. Nhưng ngay từ khi còn trẻ, chị đã hăng hái tham gia các hoạt động từ thiện. Năm 2002, chị đã tham gia dạy học ở các lớp trẻ tình thương của Hội Từ thiện thành phố Hà Nội. Những tấm thân khiếm khuyết, dị dạng, với khao khát cháy bỏng là tự nuôi sống bản thân mình của các em khuyết tật cứ ám ảnh chị.

Duyên phận thực sự đến với chị trong một lần từ thiện ở Sài Gòn, gặp gỡ, tặng quà và trò chuyện với nhiều trẻ em khuyết tật. Chị hỏi: “Được tặng quà các cháu có thích không?”. Nhiều em thành thật trả lời: “Được tặng quà chúng cháu thích lắm. Nhưng chúng cháu cũng biết không thể cứ nhận quà mãi được, tặng mãi rồi cũng hết, chúng cháu ước mơ có một cái nghề để kiếm sống, có thể tự sức mình nuôi sống bản thân”. Đêm ấy về, chị thao thức, suy nghĩ mãi về câu nói của đứa trẻ. Từ đó, chị luôn canh cánh trong lòng làm sao có thể biến giấc mơ của những người khuyết tật thành sự thật. Vốn có chút kiến thức về dạy nghề và chăm sóc trẻ khuyết tật, chị ấp ủ dự định mở một trung tâm dạy nghề bằng số tiền dành dụm ít ỏi của mình, đón nhận những người khuyết tật kém may mắn để cưu mang, dạy dỗ.

 

Chị Đoàn Thị Hoa

 

Ban đầu nói chuyện với gia đình về dự định thành lập trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, gia đình và họ hàng chị phản đối dữ dội. Nhưng thấy chị vẫn quyết tâm và có tình cảm đặc biệt dành cho những người khuyết tật nên mọi người cũng đồng ý, giúp đỡ chị cùng thành lập trung tâm. Con trai chị vẫn hay dỗi mẹ: “Mẹ là người có một không hai trên đời, không tìm được người mẹ nào thứ hai như thế, thương người hơn cả thương con mình”.

Sau thời gian dài nỗ lực vay mượn người thân, xin trợ cấp từ chính quyền và các chi hội, cuối cùng ngày 28/8/2007, Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa đã chính thức ra đời ngay trên mảnh đất của gia đình. Mới đầu, cơ sở gồm hai dãy, một dãy nhà xưởng có diện tích 112m2 và 67m2 làm dãy phòng ở. Chị vay mượn thêm của anh em, họ hàng được hơn 35 triệu đồng mua 10 chiếc máy khâu, 1 máy vắt sổ, 1 máy dập khuy và đón nhận 15 học viên khuyết tật đầu tiên vào học. Chồng chị cho biết, mới đầu, anh chưa quen với việc có những thành viên lạ và dị dạng hiện diện trong gia đình nên mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Nhưng các cháu ở lâu lại trở thành thân thiết với gia đình. Chỉ cần một ngày tất cả các cháu đi giao lưu ở đâu đó, vắng tiếng cười nói rôm rả là ngôi nhà ảm đạm hẳn.

 

Các học viên của Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa

 

Tiếng lành đồn xa, các em tìm đến với trung học rất đông. Chị Hoa tự hào: “Các con của chị trải dài khắp Tổ quốc, trong Nam ngoài Bắc đâu đâu cũng có học trò của chị”. Nhưng cũng chính vì lẽ đó mà việc chăm lo cho học trò của chị Hoa ngày càng trở nên vất vả hơn. Chị tất bật lo dạy nghề, từ chỗ ăn chỗ ở, cho đến chỗ sinh hoạt cho các em. Có đợt khó khăn, túng thiếu, bán không được hàng, để có tiền lo ăn ở và dạy học cho các em chị phải bàn bạc với chồng bán đi một mảnh đất vườn của gia đình. Ban đầu, chồng chị cũng phân vân, bởi vài năm nữa miếng đất đó bán đi sẽ rất được giá. Nhưng thấy vợ ngày đêm suy nghĩ, mặt khác thương hoàn cảnh khó khăn của các em, chồng chị đồng ý bán. Đến thời điểm hiện tại, chị đã phải bán đi hai mảnh đất để duy trì trung tâm.

Quá trình tìm nghề của chị cũng vô cùng gian nan. Ai mách cho chị nghề gì chị cũng học rồi về dạy cho các em. Từ thủ công, vàng mã, thêu, hoa lụa, cho đến may máy công nghiệp…chưa nghề nào mà chị chưa trải qua. Sau nhiều thời gian tìm kiếm, chị đã tìm được nghề phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất cho các em là nghề may, làm tranh, làm con giống bằng giấy cuộn.

Dạy cho người lành lặn đã khó, dạy cho các em khuyết tật lại càng khó khăn hơn. Chị phải tìm hiểu rõ từng công việc, phân chia việc phù hợp với từng em, sắp xếp các em vào từng nhóm học và làm việc sao cho hiệu quả. Không những thế, dạy các em khuyết tật phải vừa dạy vừa dỗ dành, có em dỗi không học nữa, có em lại học trước quên sau…vô cùng vất vả. Chị cười: “Có em rất lành nghề, tay nghề cứng giúp chị dạy lại các em học viên khác. Cứ người cũ dạy lại cho người mới chị cũng đỡ vất vả hơn.  Có em học xong còn ra mở cửa hàng riêng, nhận học viên của chị về làm việc”.

Gặp không ít những khó khăn và trở ngại, đã có lúc chị nản muốn buông xuôi. Nhưng nhìn thấy các em, nhìn thấy nụ cười hồn nhiên của các em chị lại tự nhủ mình phải cố gắng, phải làm chỗ dựa vững chắc cho các em. “Những ngày đầu hàng ế ẩm, đơn đặt hàng ít chị chỉ lo không nuôi nổi các em, chị phải chạy vạy khắp nơi để bán hàng. May mắn thay, hai năm trở lại đây, nhiều nơi đã biết đến trung tâm của chị hơn, nên thu nhập cũng ổn định” , chị Hoa tâm sự.

Người mẹ thứ hai

Hàng ngày, các học viên ở Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa được ăn đủ 3 bữa, bữa nào cũng phải đủ tiêu chuẩn, đầy đủ chất dinh dưỡng. Được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo như vậy nên chưa có trường hợp em nào bị ốm phải đi viện. Các em học viên luôn coi chị là người mẹ thứ hai, trung tâm là mái nhà thứ hai của mình. Học xong, không em nào muốn rời bỏ mẹ Hoa, chỉ muốn ở với mẹ Hoa như vậy cả đời.

Đặc biệt hơn nữa, có nhiều người khuyết tật ở trung tâm đã nên duyên chồng vợ với nhau. Ban đầu, gia đình các em một mực phản đối, vì cho rằng nhà có 1 người khuyết tật đã khổ giờ lại cả đôi, cuộc sống sẽ khó khăn muôn phần. Chị lại là người phải đứng ra thuyết phục cả hai bên gia đình. Chị tâm sự: “ Có 10 đôi thì phải 9 đôi gia đình đều phản đối, chị phải làm công tác tư tưởng cho gia đình để đồng ý cho cưới. Điều may mắn là con của họ sinh ra lại vô cùng khỏe mạnh và xinh xắn. Đó cũng là niểm vui, hạnh phúc của chị”. Chị kể tiếp: “Có đôi yêu nhau đã 4 năm nay, nhưng thuyết phục cách nào gia đình cũng nhất quyết phản đối. Thương các con, trước cửa Phật chị công nhận cho hai con được nên vợ nên chồng. Vì trung tâm chưa đủ phòng cho các đôi mới cưới, hai em phải dọn ra Linh Đàm, nhà bác của cháu gái ở”.

 

Khuôn viên của Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa

 

Chị Phạm Thị Bé, 39 tuổi, bị teo chân đến đây từ ngày đầu tiên gây dựng cơ sở. Chị may mắn khi có một cậu con trai, đang đi học mẫu giáo. Chị Bé xúc động: “Chị là người trực tiếp dạy nghề cho các em, lo cho các em từng bữa ăn đến giấc ngủ. Trời lạnh, chị nhắc mọi người phải mặc ấm không lại ốm. Chị thương, quan tâm các con như chính con ruột của chị vậy”.

Hơn 7 năm qua, chị Hoa lặng lẽ cống hiến, dốc lòng vì trẻ em khuyết tật, nhiều người đã được chị dạy dỗ, dìu dắt nên người. Chị vừa là người thầy vừa là người mẹ thứ hai của các học viên. Học trò của chị, giờ đã có người lập gia đình sinh con đẻ cái, người tự lập mở cửa hàng riêng, ai cũng đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc to lớn của chị Hoa khi nhìn thấy những đứa con bé bỏng của mình trưởng thành.

Giờ đây, chị chỉ mong muốn sao cho trung tâm được biết đến nhiều hơn, để có nhiều những tấm lòng hảo tâm đến giúp đỡ, xây dựng trung tâm khang trang hơn, giúp nhiều số phận thiệt thòi hơn nữa.

0903 252 062